Ngày 05/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 62/2019/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề cập các số trường hợp mà Cơ quan hải quan sẽ thực hiện từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa như sau: Trường hợp có sự khác biệt mã số HS trên Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa với mã số HS trên Tờ khai hải quan nhập khẩu và mô tả hàng hóa trên Chứng từ chứng nhận xuất xứ không phù hợp với mô tả hàng hóa trên Tờ khai hải quan nhập khẩu, hàng hóa thực tế nhập khẩu, Cơ quan hải quan có cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu không phải hàng hóa trên Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì Cơ quan hải quan thực hiện từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và thông báo trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Bên cạnh đó, Thông tư 62/2019/TT-BTC đã bổ sung thêm các trường hợp mà Cơ quan hải quan có thể từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Thông tư 38/2018/TT-BTC) như sau: Tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, trường hợp có Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng Người khai hải quan không khai số tham chiếu, ngày cấp; hoặc trường hợp chưa có Chứng từ chứng nhận xuất xứ nhưng Người khai hải quan không khai chậm nộp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Tờ khai hải quan nhập khẩu, Cơ quan hải quan sẽ từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định. Trong trường hợp Người khai hải quan khai chậm nộp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng khai bổ sung và nộp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa quá thời hạn theo quy định, Cơ quan hải quan cũng sẽ từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ.
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng Thuế suất ưu đãi đặc biệt
Liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Thông tư 62/2019/TT-BTC đã bổ sung “Điều 7a – Xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”. Theo đó, quy định chi tiết việc khai, nộp, kiểm tra, xác minh, từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện Hiệp định CPTPP.
Cụ thể là Thông tư 62/2019/TT-BTC đã nêu các quy định về Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt): Các loại Chứng từ mà Người khai hải quan cần nộp cho Cơ quan hải quan (tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhập khẩu); Các yêu cầu về thông tin ghi trên Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Các loại Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (dạng văn bản giấy hoặc bản điện tử); Các trường hợp Người khai hải quan phải dịch Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh và chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch; Thủ tục hải quan; Cơ quan hải quan chấp nhận Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt) trong trường hợp hoá đơn thương mại được phát hành bởi một nước không phải là thành viên; Trường hợp hàng hóa vận chuyển qua lãnh thổ của một hay nhiều nước không phải thành viên; Các trường hợp mà Cơ quan hải quan sẽ từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Trước khi ra quyết định từ chối Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan sẽ thông báo nội dung kết quả xác minh (theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 03/2019/TT-BCT) cho Người nhập khẩu/ Người xuất khẩu/ Người sản xuất hoặc Cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trường hợp từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, Cơ quan hải quan sẽ thông báo lý do bằng văn bản cho Người nhập khẩu.
Trong trường hợp Nước thành viên của Hiệp định CPTPP thông báo “chỉ áp dụng Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp bởi Cơ quan có thẩm quyền hoặc Người xuất khẩu/ Người sản xuất được phê duyệt”, Tổng cục Hải quan sẽ thông báo cho Cục Hải quan các tỉnh/thành phố về các hình thức Chứng từ chứng nhận xuất xứ; Danh sách các Cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nước thành viên xuất khẩu; Danh sách Người xuất khẩu/ Người sản xuất được phê duyệt và các thông tin liên quan khác.
Thông tư 62/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2019.
Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
(Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn)