QUAN HỆ CANADA – VIỆT NAM
Canada thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1973, lập sứ quán tại Hà Nội năm 1994 và văn phòng Tổng Lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1997. Canada đã là thành viên của Ủy ban Quốc tế Kiểm soát (về sau gọi à Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát) trong gần 20 năm, sau khi cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp chấm dứt năm 1954.
Quan hệ Song phương
Năm 2018 Canada và Việt Nam kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Quan hệ song phương đã phát triển tới cao điểm qua nhiều cuộc viếng thăm Việt Nam cấp cao của các viên chức Canada trong năm qua, như cuộc viếng thăm của Thủ tướng Trudeau tháng 11 năm 2018 và việc công bố “Quan hệ Đối tác Toàn diện” giữa Canada và Việt Nam. Quan hệ Đối tác thể hiện rõ rệt sự kiện toàn quan hệ giữa hai nước về quốc phòng, an ninh và phát triển. Quan hệ giữa dân tộc của hai nước rất chặt chẽ, với 250,000 người Canada gốc Việt sinh sống tại Canada.
Canada và Việt Nam đều là thành viên của nhiều diễn đàn quốc tế như ASEAN, trong đó Canada là một Đối tác Đối thoại; Việt nam là Quốc gia Phối hợp cho Canada năm 2006-09. Canada và Việt Nam cũng là hội viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Vùng ASEAN, Cộng đồng Pháp ngữ, và Liên Hiệp Quốc.
Giáo dục quốc tế tại Canada
Việt Nam là nước đứng đầu trong Đông Nam Á, và đứng hạng thứ năm trên thế giới là nước có số du sinh học tại Canada. Năm 2017 có hơn 14,000 du sinh Việt Nam học tại Canada, gia tăng 54% so với năm 2015 và 89% so với năm 2016.
Có một số thỏa hiệp đang được thi hành giữa các trường đại học Canada và Việt Nam. Công dân Việt Nam có điều kiện tham gia vào một số chương trình học bổng để học và nghiên cứu tại Canada trong đó có Chương trình Học bổng Cộng đồng Pháp ngữ Canada (Canadian Francophonie Scholarship Program), Chương trình Banting cho Nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ (Banting Postdoctoral Fellowships program), Học bổng cho Sinh viên Tốt nghiệp Vanier Canada (Vanier Canada Graduate Scholarships) và Học bổng Canada –ASEAN và Trao đổi Giáo dục để Phát triển (Canada-ASEAN Scholarships and Educational Exchanges for Development , SEED).
Viện trợ Phát triển
Canada đã là đối tác phát triển của Việt Nam trong hơn 25 năm. Từ năm 1990, Canada đã đóng góp hơn $1.5 tỷ vào viện trợ phát triển qua nhiều tổ chức để hỗ trợ cho các nỗ lực phát triển và giảm nghèo của Việt Nam, theo sát với các ưu tiên chiến lược của Việt Nam. Canada và Việt Nam có mối quan hệ đáng tin cậy trong hợp tác phát triển; mối quan hệ này đã giúp đạt được các thành tích giảm nghèo và tăng cường mối quan hệ giữa hai dân tộc.
Mục tiêu phát triển của Canada tại Việt nNam là giảm nghèo bằng cách hỗ trợ sự tăng trưởng có lợi cho tất cả mọi người và cải thiện thể thức cai trị bao gồm mọi thành phần. Qua các hoạt động của chúng tôi, Canada tiếp tục hỗ trợ chính sách phát triển và pháp lý bao gồm mọi thành phần, khả năng kinh doanh và các xí nghiệp nhỏ và vừa, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, và kỹ năng cho nhân dụng.
Canada sẽ tiếp tục chuyển nhượng kiến thức kỹ thuật trong nhiều lãnh vực và thảo luận với Việt nam những cơ hội để thực hiện bình đẳng giới và tạo cơ hội cho tất cả phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Đó là những ưu tiên then chốt cho cả Chính sách Hỗ trợ Nữ quyền Quốc tế (Feminist International Assistance Policy, FIAP) của Canada và Kế hoạch Hành động cho Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals , SDG, Action Plan) của Việt Nam.
Năm 2017, Thỏa hiệp Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Canada và Việt Nam cũng xác định các lãnh vực ưu tiên cộng tác như thay đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh lương thực, và bảo vệ môi trường.
Giao thương
Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh tại Đông Nam Á, với mức tăng trưởng GDP dự phóng trên 6.3% năm 2018, theo IMF.
Việt Nam vẫn là đối tác giao thương với Canada lớn nhất tại vùng ASEAN từ năm 2015. Trong năm 2017, giao thương hàng hóa hai chiều giữa Canada và Việt Nam đã tới mức $6.2 tỷ, so với mức $5.5 tỷ năm 2016. Năm 2017 hàng Canada xuất khẩu sang Việt Nam lên tới khoảng $1.1 tỷ. Cũng trong năm đó hàng Canada nhập khẩu từ Việt Nam có tổng số là gần $5.1 tỷ.
Các lãnh vực ưu tiên tại Việt Nam liên hệ tới lợi ích thương mại của Canada là nông nghiệp, thực phẩm nông nghiệp, tin học và công nghiệp truyền thông, công nghiệp môi trường sạch, hạ tầng cơ sở và hàng không không gian.
Việt Nam quyết tâm theo đuổi mục tiêu dài hạn về hội nhập kinh tế toàn cầu qua sự tham gia vào APEC, vùng Tự do Mậu dịch ASEAN, và WTO. Canada và Việt Nam là hai trong số 11 thành viên của Thỏa hiệp Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, CPTPP).
(Nguồn: www.canadainternational.gc.ca)